• Mail: htdnv247@gmail.com
  • 0909 206 247


Như mọi người đều biết, chào bán cổ phần là một trong vác phương thức huy động vốn điều lệ hiệu quả của công ty cổ phần. Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là một trong các phương thức phổ biến được áp dụng, Vậy chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là gì, được thực hiện như thế nào?

1. Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu

Theo Điều 124 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ tại công ty.”

Như vậy, việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ tại công ty.

2. Thực hiện chào bán cổ phần

Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là hình thức huy động vốn từ nội bộ công ty, không làm thay đổi số lượng cổ đông mà vẫn tăng vốn điều lệ, theo đó, khoản 2 Điều 124 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định trình tự thực hiện như sau:

Trước tiên, Công ty phải thông báo bằng văn bản đến cổ đông theo phương thức để bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của họ trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần;

Trong nội dung thông báo phải bao gồm đầy đủ các thông tin sau: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của cổ đông tại công ty; tổng số cổ phần dự kiến chào bán và số cổ phần cổ đông được quyền mua; giá chào bán cổ phần; thời hạn đăng ký mua; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty. Kèm theo thông báo phải có mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành. Trường hợp phiếu đăng ký mua cổ phần không được gửi về công ty đúng hạn theo thông báo thì cổ đông đó coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua;

Có thể hiểu, đối với cổ đông là cá nhân phải có họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân. Đối với cổ đông là tổ chức, thông tin phải gồm tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính. Bên cạnh đó, thông báo phải có đầy đủ thông tin của các cổ phần được chào bán đến cổ đông.

Cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác.

Tuy nhiên, không phải lúc nào số cổ phần chào bán cũng được đăng ký mua hết, theo đó tại khoản 3 Điều 124 Luật này quy định đối với trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại cho cổ đông của công ty và người khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác hoặc pháp luật về chứng khoán có quy định khác.

Cổ phần được coi là đã bán phải theo quy định tại khoản 4 Điều này như sau:

“4. Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty.”

Như vậy, việc bán cổ phần hoàn thành khi người mua đã thanh toán đủ và thông tin về người mua được ghi vào sổ đăng ký cổ đông. Từ đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty.

Cuối cùng, việc tiến hành phát hành cổ phiếu cho người mua được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật này như sau:

“5. Sau khi cổ phần được thanh toán đầy đủ, công ty phát hành và giao cổ phiếu cho người mua; trường hợp không giao cổ phiếu, các thông tin về cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi vào sổ đăng ký cổ đông để chứng thực quyền sở hữu cổ phần của cổ đông đó trong công ty.”

Tóm lại, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là một phương thức huy động vốn hiệu quả mà không làm thay đổi sổ lượng cổ đông, đảm bảo sự ổn định trong công ty cổ phần. Việc quy định rõ khái niệm cũng như cách thức chào bán của hình thức huy động vốn này giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thực hiện huy động vốn.

Căn cứ pháp lý:

Luật Doanh nghiệp 2020

Nguồn: Thư viện pháp luật

social