• Mail: htdnv247@gmail.com
  • 0909 206 247

Báo cáo tài chính hợp nhất được lập trên cơ sở hợp nhất các báo cáo tài chính riêng lẻ của công ty mẹ, các công ty thành viên và được trình bày như báo cáo tài chính doanh nghiệp.

1. Đối tượng phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 202/2014/TT-BTC thì công ty mẹ là công ty nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết ở công ty con (sở hữu trực tiếp hoặc sở hữu gián tiếp thông qua một công ty con khác) có trách nhiệm lập Báo cáo tài chính hợp nhất trong các trường hợp sau đây:

- Công ty mẹ là tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán, công ty đại chúng quy mô lớn và công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất hàng năm và Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên dạng đầy đủ, Báo cáo tài chính hợp nhất quý dạng tóm lược (được lập Báo cáo tài chính hợp nhất quý dạng đầy đủ nếu có nhu cầu).

- Đối với công ty mẹ không thuộc các đối tượng nêu trên:

+ Phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất năm dạng đầy đủ;

+ Khuyến khích lập Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ dạng đầy đủ hoặc dạng tóm lược (nếu có nhu cầu).

Lưu ý: Công ty mẹ không phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất khi thỏa mãn tất cả những điều kiện sau:

(1) Công ty mẹ không phải là đơn vị có lợi ích công chúng;

(2) Công ty mẹ không phải là thuộc sở hữu Nhà nước hoặc do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối;

(3) Công ty mẹ đồng thời là công ty con bị sở hữu bởi một công ty khác và việc không lập Báo cáo tài chính hợp nhất đạt được sự đồng thuận của các cổ đông, kể cả cổ đông không có quyền biểu quyết;

(4) Công cụ vốn hoặc công cụ nợ của công ty mẹ đó không được giao dịch trên thị trường (kể cả thị trường trong nước, ngoài nước, thị trường phi tập trung (OTC), thị trường địa phương và thị trường khu vực);

(5) Công ty mẹ không lập hồ sơ hoặc không trong quá trình nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để xin phép phát hành các loại công cụ tài chính ra công chúng;

(6) Công ty sở hữu công ty mẹ đó lập Báo cáo tài chính hợp nhất cho mục đích công bố thông tin ra công chúng phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam.

2. Yêu cầu của Báo cáo tài chính hợp nhất

Tại Điều 3 Thông tư 202/2014/TT-BTC thì Báo cáo tài chính hơp nhất phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

- Tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc kỳ kế toán, kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ trong kỳ kế toán của tập đoàn như một doanh nghiệp độc lập không tính đến ranh giới pháp lý của các pháp nhân riêng biệt là công ty mẹ hay các công ty con trong tập đoàn;

- Cung cấp thông tin kinh tế, tài chính cho việc đánh giá tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và khả năng tạo tiền của tập đoàn trong kỳ kế toán đã qua và dự đoán trong tương lai, làm cơ sở cho việc ra quyết định về quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư vào tập đoàn của các chủ sở hữu, nhà đầu tư, chủ nợ hiện tại và tương lai và các đối tượng khác sử dụng Báo cáo tài chính.

3. Thủ tục nộp và công khai Báo cáo tài chính hợp nhất

Báo cáo tài chính hợp nhất gồm Báo cáo tài chính hợp nhất năm và Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ (báo cáo quý, gồm cả quý IV và báo cáo bán niên). Báo cáo tài chính hợp nhất năm được lập dưới dạng đầy đủ, Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc dạng tóm lược (khoản 1 Điều 4 Thông tư số 202/2014/TT-BTC).

Thời hạn nộp và công khai Báo cáo tài chính hợp nhất:

- Đối với Báo cáo tài chính hợp nhất năm (khoản 1 Điều 6 Thông tư 202/2014/TT-BTC):

+ Thời hạn nộp: 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm;

+ Thời hạn công khai: 120 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

- Đối với Báo cáo tài chính giữa niên độ (khoản 2 Điều 6 Thông tư 202/2014/TT-BTC): phải nộp trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán.

Lưu ý: Công ty mẹ là đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán phải nộp và công khai Báo cáo tài chính hợp nhất năm, Báo cáo tài chính giữa niên độ theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Nơi nhận Báo cáo tài chính hợp nhất (Điều 7 Thông tư 202/2014/TT-BTC):

(1) Cơ quan tài chính:

- Sở Tài chính: đối với các Tập đoàn, công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước do UBND cấp tỉnh thành lập.

- Cục Tài chính doanh nghiệp (thuộc Bộ Tài chính): đối với các Tập đoàn, công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Trừ các trường hợp sau:

+ Tập đoàn, công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực Ngân hàng, đầu tư tài chính nộp Báo cáo tài chính hợp nhất Vụ Tài chính Ngân hàng và các tổ chức tài chính (thuộc Bộ Tài chính). Riêng Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC); Tập đoàn Bảo Việt ngoài việc nộp báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định nêu trên còn phải nộp cho Cục Tài chính doanh nghiệp;

+ Tập đoàn, công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm nộp Báo cáo tài chính hợp nhất cho Cục Quản lý và giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính);

+ Tập đoàn, công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán phải nộp Báo cáo tài chính hợp nhất cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán.

(2) Đơn vị thực hiện quyền chủ sở hữu: Công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước phải nộp Báo cáo tài chính hợp nhất cho các đơn vị thực hiện quyền chủ sở hữu.

(3) Cơ quan thuế và cơ quan thống kê:

- Tổng cục Thuế, cơ quan thuế địa phương, Tổng Cục thống kê, cơ quan thống kê địa phương: đối với tập đoàn, công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập;

- Cơ quan Thuế và cơ quan Thống kê địa phương: đối với tập đoàn, công ty mẹ khác.

(4) Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy đăng ký kinh doanh: đối với công ty mẹ không thuộc sở hữu Nhà nước.

Lưu ý: Công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành chứng khoán ra công chúng, công ty chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ và các công ty quản lý quỹ phải nộp Báo cáo tài chính hợp nhất cho Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán nơi công ty niêm yết.

 

Nguồn: Thư viện pháp luật

social