Đối với việc tính giá thành sản phẩm công nghiệp có thể phân ra 2 dạng: tính giá thành sản phẩm sản xuất tồn kho (make-to-stock) và tính giá thành sản phẩm sản xuất theo đơn hàng (make-to-order).
- Sản xuất sản phẩm tồn kho thường là sản xuất theo kế hoạch dự báo bán hàng. Sản xuất xong thì chuyển cho mạng lưới phân phối bán lẻ để tiêu thụ.
- Sản xuất theo đơn hàng là khi có đơn đặt hàng của khách hàng cụ thể thì mới sản xuất. Sản xuất xong thì giao hàng cho khách đặt hàng.
- Sản xuất để tồn kho thường là các mặt hàng tiêu dùng với số lượng lớn của các công ty sản xuất lớn (mass-production) như hàng thực phẩm (sữa, thịt), thuốc-dược phẩm chữa bệnh thông dụng, xi măng, phân bón…
- Sản xuất theo đơn hàng thường là ở các công ty sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, cung cấp theo đặt hàng của một số lượng không nhiều khách hàng.
- Sản xuất để tồn kho thường có quy trình sản xuất liên tục và mẫu mã hàng hóa ít khi thay đổi, do nhà sản xuất thiết kế.
- Sản xuất theo đơn hàng thường có quy trình sản xuất rời rạc, mẫu mã hàng hóa thường thay đổi và theo yêu cầu của từng khách hàng đặt hàng.
Một số trường hợp, một doanh nghiệp khi sản xuất một số chủng loại hàng có thể có một số mẫu hàng sản xuất để tồn kho và một số mẫu hàng – sản xuất theo đơn đặt hàng.
Các phần mềm kế toán của FAST không khác biệt nhiều trong việc theo dõi và tính toán giá thành sản phẩm của 2 dạng sản xuất. Khác biệt chính là đối với sản xuất theo đơn hàng là cần khai báo thông tin đối với từng đơn hàng, sau đó cần theo dõi và tập hợp chi phí cho từng đơn hàng, theo dõi hàng nhập kho theo từng đơn hàng.
Ngoài vấn đề đặc thù của sản xuất để tồn kho hay theo đơn hàng nêu trên thì việc tính giá thành sản phẩm của phần mềm cần giải quyết được các vấn đề thường gặp sau trên thực tế:
- Sản xuất có sản phẩm dở dang hay không có sản phẩm dở dang.
- Chi phí nguyên vật liệu có thể chỉ rõ cho từng loại sản phẩm, đơn hàng hay xuất chung sản xuất cho nhiều đơn hàng, nhiều sản phẩm và sau đó phân bổ theo cấu trúc nguyên vật liệu của từng sản phẩm.
- Chi phí chung có thể phân bổ theo nhiều tiêu thức khác nhau tùy từng doanh nghiệp cụ thể: theo nguyên vật liệu chính và/hoặc theo tiền lương…
- Giá thành được tính cho từng công đoạn sản xuất hay chỉ tính cho sản phẩm cuối.
- Đối với sản xuất theo nhiều công đoạn thì sản phẩm có thể vừa là bán thành phẩm cho công đoạn tiếp theo, có thể là sản phẩm hoàn thành cho bán hàng.
- Sản phẩm cùng loại được sản xuất trên nhiều dây chuyền, phân xưởng hay chỉ ở một dây chuyền, phân xưởng.
Về phân tích giá thành sản phẩm có nhiều mức độ chi tiết khác nhau, tùy theo yêu cầu của người sử dụng:
- Chỉ tính tổng giá trị giá thành cuối cùng.
- Chi tiết theo từng nguyên vật liệu cấu thành
- Chi tiết theo các yếu tố chi phí: nguyên vật liệu chính, nguyên vật liệu phụ, CCDC, tiền lương, khấu hao TSCĐ, điện, nước…
Các báo cáo về giá thành thông dụng gồm có:
- Thẻ giá thành sản phẩm: chi tiết theo yếu tố, chi tiết theo NVL
- Bảng giá thành các sản phẩm
- Bảng giá thành đơn hàng..
Những phần mềm kế toán có phân hệ tính giá thành tốt sẽ giúp cho doanh nghiệp tính chính xác được giá thành sản phẩm phục vụ công tác quản trị như xác định giá bán, xác định biên độ lợi nhuận, điều chỉnh lại định mức, lập kế hoạch dự trù về nguyên vật liệu, nhân công, tài chính…
Nguồn: Sưu tầm