Từ ngày 23/08/2020, một số điểm bổ sung về lệ phí môn bài của Bộ Tài chính có hiệu lực thực hiện
Ngày 9/7/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 65/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 302/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí môn bài.
Theo đó, có một số điểm của thông tư được bổ sung như sau:
Thứ nhất, bổ sung 2 đối tượng được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (bắt đầu từ ngày 1/1 đến ngày 31/12), bao gồm: Tổ chức được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới; Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian được miễn lệ lệ phí môn bài, nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân này thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh này cũng được miễn lệ phí môn bài. Trường hợp tổ chức thành lập mới, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh trước ngày 25/02/2020 và thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh từ ngày 25/02/2020 (nếu có) thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện nộp lệ phí môn bài theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài.
Thứ hai, bổ sung đối tượng được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu cho đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Trong thời gian miễn lệ phí môn bài này, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh cũng được miễn lệ phí môn bài. Trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập (được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động) kể từ ngày 25/02/2020 (ngày Nghị định số 22/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành) thì thời gian miễn lệ phí môn bài cho chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc diện miễn lệ phí môn bài được thành lập trước ngày Nghị định số 22/2020/NĐ-CP hiệu lực thi hành thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày Nghị định số 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
Thứ ba, bổ sung đối tượng cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở mầm non công lập được miễn lệ phí môn bài.
Thứ tư, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh khi hết hạn được miễn lệ phí môn bài (năm thứ 4 kể từ ngày thành lập doanh nghiệp): trường hợp kết thúc trong 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; trường hợp kết thúc trong 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
Thứ năm, người nộp lệ phí đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điều kiện: Văn bản xin tạm ngừng sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước thời hạn nộp lệ phí theo quy định (30/1 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.
Thứ sáu, Bổ sung, sửa đổi cách xác định doanh thu tính lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình
Tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư cũng nêu rõ mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau: Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm thì mức thu lệ phí là 1.000.000 đồng/năm; đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm thì mức thu lệ phí là 500.000 đồng/năm; Còn đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm thì mức thu lệ phí là 300.000 đồng/năm.
Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế.
- Trường hợp cá nhân phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản tại một địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho địa điểm đó là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế.
- Trường hợp cá nhân phát sinh cho thuê tài sản tại nhiều địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho từng địa điểm là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của các địa điểm của năm tính thuế, bao gồm cả trường hợp tại một địa điểm có phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản.
- Trường hợp hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì nộp lệ phí môn bài theo từng năm tương ứng với số năm cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
- Trường hợp cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân một lần đối với hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì chỉ nộp lệ phí môn bài của một năm.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, địa điểm sản xuất, kinh doanh (thuộc trường hợp không được miễn lệ phí môn bài) nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm, nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài của cả năm.
Thông tư số 65/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực kể từ ngày 23/08/2020./.