Căn cứ tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về thời điểm lập hóa đơn như sau:
Thời điểm lập hóa đơn
- Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
Đồng thời tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về việc thời điểm xác định thuế GTGT như sau:
Thời điểm xác định thuế GTGT
- Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với dịch vụ viễn thông là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.
Theo đó, thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ là:
– Đối với hàng hóa: Là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền
– Đối với dịch vụ: Là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm thu tiền trước/trong khi cung cấp dịch vụ (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
Do đó, xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ lập hóa đơn trước ngày 01/7/2024 thì mới được áp dụng mức giảm thuế GTGT 8% (với điều kiện hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT), trường hợp hàng hóa, dịch vụ hoàn thành sau ngày 30/6/2024 thì sẽ quay về mức thuế suất cũ (trong trường hợp chưa có văn bản điều hành giảm thuế tiếp theo).
Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% thì xuất hóa đơn theo mức thuế suất mà pháp luật quy định.
Các mức thuế suất thuế GTGT hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ tại Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013, Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế sửa đổi 2016, Điều 3 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014) và Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định về thuế suất thuế GTGT như sau:
(1) Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 khi xuất khẩu, trừ các trường hợp sau:
– Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài.
– Dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài;
– Dịch vụ cấp tín dụng;
– Chuyển nhượng vốn;
– Dịch vụ tài chính phái sinh;
– Dịch vụ bưu chính, viễn thông;
– Sản phẩm xuất khẩu quy định tại khoản 23 Điều 5 của Luật này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
(2) Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:
– Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
– Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng;
– Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp;
– Sản phẩm trồng trọt,chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến, trừ sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;
– Mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá;
– Thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến, trừ gỗ, măng và sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;
– Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn;
– Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp; bông sơ chế; giấy in báo;
– Thiết bị, dụng cụ y tế, bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;
– Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập, bao gồm các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa và các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học;
– Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;
– Đồ chơi cho trẻ em; sách các loại, trừ sách quy định tại khoản 15 Điều 5 của Luật này;
– Dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.
– Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở
(3) Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc trường hợp áp dụng thuế suất 0% và 5%.
(4) Mức thuế suất 8% áp dụng trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 30/6/2024, cụ thể:
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội chấp thuận giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
– Nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin,
– Nhóm hàng hóa, dịch vụ hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán,
– Nhóm hàng hóa, dịch vụ bảo hiểm,
– Nhóm hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bất động sản,
– Nhóm hàng hóa, dịch vụ kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa
– Nhóm dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;
Như vậy, tùy vào từng đối tượng chịu thuế, mức thuế giá trị gia tăng được áp dụng là 0%, 5%, 10% hoặc 8%.
Ai là người nộp thuế giá trị gia tăng?
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định 209/2013/NĐ-CP về người nộp thuế giá trị gia tăng như sau:
– Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng.
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định 209/2013/NĐ-CP.
Theo TVPL