• Mail: htdnv247@gmail.com
  • 0909 206 247

Đối với việc thành lập một doanh nghiệp, làm thế nào để lựa chọn loại hình kinh doanh với mục đích và định hướng phát triển là vô cùng quan trọng. Căn cứ vào tính chất, đặc điểm, trách nhiệm của thành viên công ty chúng ta có thể chia ra 2 loại hình công ty gồm: Công ty đối nhân và Công ty đối vốn, loại hình doanh nghiệp đang được rất nhiều người chú ý hiện nay.

1.    CÔNG TY ĐỐI NHÂN LÀ GÌ?

1.1    Khái niệm công ty đối nhân. Công ty đối nhân phù hợp với loại hình doanh nghiệp nào?

- Công ty đối nhân: là những công ty được thành lập dựa trên sự liên kết chặt chẽ bởi chế độ tin cậy về nhân thân của các thành viên tham gia cùng nhau, trong đó yếu tố góp vốn chỉ là thứ yếu. 

- Công ty không có sự phân biệt giữa tài sản cá nhân hay tài sản chung của công ty.
- Các thành viên sẽ chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản công ty và ít nhất phải có một thành viên đứng ra chịu trách nhiệm vô hạn về nợ của công ty.
- Sự tin cậy, tín nhiệm giữa các thành viên mới là cơ sở chính cho sự hình thành, tồn tại và phát triển của công ty.
- Vì chỉ cần một thành viên rút ra khỏi thì công ty rất có thể sẽ phải đi đến giải thể.

*Lưu ý: Công ty đối nhân là mô hình thường sẽ tồn tại phát triển dưới dạng công ty hợp danh, vì theo điểm a, b, c điều 177 LDN 2020:
a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
c) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

1.2    Chế độ trách nhiệm của thành viên công ty đối nhân về khoản nợ của công ty?
- Vì công ty đối nhân được hình thành dưới dạng công ty hợp danh nên xét về trách nhiệm ta sẽ dựa theo những quy định của công ty hợp danh trong Luật Doanh Nghiệp 2020, trong đó:
• Theo Điểm đ Khoản 2 Điều 181 LDN 2020, đối với thành viên hợp danh phải “Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty” --> Bắt buộc thành viên hợp danh phải lấy tài sản cá nhân ra để trả nếu tài sản công ty không trả đủ --> Thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn.
• Theo Điểm a Khoản 2 Điều 187 LDN 2020, đôi với thành viên góp vốn phải “Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp” --> Chỉ trả khoản nợ trong số vốn đã góp vào và không bị ảnh hưởng đến tài sản riêng như thành viên hợp danh --> Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn.
Như vậy, theo 2 quy định trên của LDN 2020 về việc trả khoản nợ của thành viên hợp danh và thành viên góp vốn, ta có thể kết luận về trách nhiệm của công ty đối nhân có 2 chế độ: Trách nhiệm hữu hạn & Trách nhiệm vô hạn.
1.3    Đặc điểm quan trọng của công ty đối nhân?
- Không có sự tách bạch về tài sản của cá nhân mỗi thành viên hay tài sản chung của công ty.
- Các thành viên phải tự nộp thuế thu nhập cá nhân, vì bản thân công ty không bị đánh thuế.
- Các thành viên công ty đối nhân phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn với mọi khoản nợ mà công ty vay bên ngoài và phải có ít nhất 1 thành viên công ty đứng ra chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ty.

1.4    Ưu và nhược điểm của công ty đối nhân?
     Ưu điểm:
- Công ty dạng này có thể kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người (các thành viên công ty) để xây dựng được hình ảnh tốt đẹp cho công ty. 
- Bởi vì có các thành viên liên đới sẽ cùng chịu trách nhiệm vô hạn như công ty hợp danh nên dễ dàng nhận được sự tin tưởng từ đối tác kinh doanh, bạn hàng. 
- Việc điều hành công ty quản lý cũng không quá phức tạp do số lượng thành viên không nhiều và thường chủ yếu là những người có uy tín, sự tin tưởng lẫn nhau một cách tuyệt đối.

   Nhược điểm: Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh là cực kỳ cao.

 

2.    CÔNG TY ĐỐI VỐN LÀ GÌ?

2.1    Khái niệm công ty đối vốn. Công ty đối vốn phù hợp với loại hình doanh nghiệp nào?
- Công ty đối vốn là công ty được thành lập dựa trên cơ sở nền tảng là liên kết vốn. Khác với công ty đối nhân thì công ty đối vốn thì
+ Công ty đối vốn không quan tâm đến yếu tố nhân thân của người góp vốn.
+ Có sự tách bạch tài sản của cá nhân và tài sản của công ty (vì vậy các cá nhân góp vốn sẽ ít rủi ro hơn so với ở công ty đối nhân).
+ Các thành viên công ty chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty trong phạm vi mức vốn góp vào công ty. 

 - Công ty đối vốn thì phù hợp dưới dạng mô hình công ty Cổ phần và công ty TNHH:
+ Đối với công ty cổ phần: là mô hình công ty hoàn thiện về mặt vốn lẫn tổ chức, có kết cấu chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi cao nhất của các cổ đông. Song song đó cũng giúp cho việc điều hành và quản lý công ty một cách dân chủ và hiệu quả hơn. Ngoài ra, đặc trưng của công ty cổ phần để phân biệt với TNHH là cổ phần được hiểu là phần vốn điều lệ của công ty, mỗi cổ phần thể hiện một giá trị thực tế tính bằng tiền. Cổ phần sẽ chứng minh tư cách thành viên của các cổ đông và được thể hiện dưới hình thức là cổ phiếu. Cổ phiếu là một loại chứng khoán được lưu thông, chuyển nhượng tự do trên thị trường. Có 2 loại cổ phần là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.

+ Đối với công ty TNHH (đặc biệt là TNHH 2 thành viên) mang cả đặc điểm công ty đối nhân và cả công ty đối vốn.
•    Các thành viên trong công ty chỉ chịu trách nhiệm trong hoạt động của công ty trong phạm vi vốn đã góp vào (mang tính rủi ro không quá cao vì trách nhiệm là hữu hạn).
•    Số lượng thành viên công ty TNHH không nhiều và các thành viên có quen biết, người thân nên thường tin cậy lẫn nhau (đây là yêu tố của công ty đối nhân).

2.2    Chế độ trách nhiệm của thành viên công ty đối với khoản nợ của công ty đối vốn?
-  Theo khái niệm của công ty đối vốn đã trình bày ở trên: về phần trách nhiệm thì các thành viên công ty sẽ chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn mình góp vào”. Vì thế chế độ trách nhiệm đối với các thành viên cổ đông công ty là trách nhiệm hữu hạn.

2.3    Đặc điểm quan trọng của công ty đối vốn?
- Công ty đối vốn có sự tách bạch giữa tài sản của các thành viên công ty với tài sản chung của công ty.
- Các thành viên trong công ty sẽ chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn mà mình góp.
- Công ty TNHH do có cả đặc điểm của công ty đối nhân và đối vốn (với những công ty có 2 thành viên trở lên) sẽ có những đặc điểm sau đây:
- Các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn mà họ đã góp vào (trách nhiệm hữu hạn).
- Thành viên không nhiều nhưng các thành viên là người thân quen biết nên thường tin tưởng lẫn nhau.

 

2.4 Ưu và nhược điểm của công ty góp vốn:
     Ưu điểm:
- Được những người kinh doanh ưa chuộng lựa chọn vì chế độ trách nhiệm hữu hạn nên rất phổ biến.
- Điều đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào các khu vực rủi ro lớn và khả năng họ phân tán vốn đầu tư vào nhiều cơ sở kinh doanh khác nhau, tạo điều kiện cho thị trường vốn ra đời, phát triển. 

     Nhược điểm:
- Do chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn nên dễ gây rủi ro cho khách hàng.
- Do chỉ quan tâm đến vốn góp, thành viên rất đông có thể ảnh hướng đến nhóm quyền lợi trong công ty, việc quản lí công ty là rất phức tạp và khó khăn.

3. Lời kết: Tất cả thông tin chúng tôi vừa trình bày phía trên là tổng hợp những kiến thức cần thiết về công ty đối nhân và công ty đối vốn, chúng tôi hy vọng với những thông tin đó đủ để giúp bạn nắm rõ hơn về 2 loại công ty này.

Nguồn: Sưu tầm
 

social