• Mail: htdnv247@gmail.com
  • 0909 206 247

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Nhà nước ta khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ, tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư ra ngoài, bài viết dưới đây sẽ giúp quý bạn đọc hiểu rõ về thủ tục đầu tư ra nước ngoài.

1. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư Việt Nam về dự án đầu tư tại nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 62 Luật Đầu tư 2020, Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

- Mã số dự án đầu tư.

- Nhà đầu tư.

- Tên dự án đầu tư, tên tổ chức kinh tế ở nước ngoài (nếu có).

- Mục tiêu, địa điểm đầu tư.

- Hình thức đầu tư, vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư, hình thức vốn đầu tư, tiến độ thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

- Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư.

- Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư (nếu có).

2. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Tùy vào loại dự án và các yếu tố của dự án, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được áp dụng theo Điều 61 Luật Đầu tư 2020 như sau:

- Đối với các dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật Đầu tư.

- Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

- Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật Đầu tư;

- Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật Đầu tư;

- Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề sau: Ngân hàng; Bảo hiểm; Chứng khoán; Báo chí, phát thanh, truyền hình; Kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).

Nơi nộp hồ sơ: Kế hoạch và Đầu tư

Thời hạn giải quyết:

- 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ

- Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Các trường hợp Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài:

- Thay đổi nhà đầu tư Việt Nam;

- Thay đổi hình thức đầu tư;

- Thay đổi vốn đầu tư ra nước ngoài; nguồn vốn đầu tư, hình thức vốn đầu tư;

- Thay đổi địa điểm thực hiện hoạt động đầu tư đối với các dự án đầu tư yêu cầu phải có địa điểm đầu tư;

- Thay đổi mục tiêu chính của hoạt động đầu tư ở nước ngoài;

- Sử dụng lợi nhuận đầu tư ở nước ngoài theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 67 của Luật Đầu tư.

Hồ sơ:

Theo khoản 3 Điều 63 Luật Đầu tư 2020, hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

- Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

- Báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư đến thời điểm nộp hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

- Quyết định điều chỉnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật Đầu tư hoặc các văn bản quy định tại điểm e khoản 1 Điều 57 của Luật Đầu tư;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

- Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư trong trường hợp điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

Nơi nộp hồ sơ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thời hạn giải quyết: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ

4. Các trường hợp chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Theo khoản 1 Điều 64 Luật Đầu tư 2020, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài chấm dứt hiệu lực trong trường hợp sau đây:

- Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;

- Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

- Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;

- Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài;

- Quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư;

- Tổ chức kinh tế ở nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

- Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.

Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư tại nước ngoài theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư và thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Căn cứ pháp lý:

Luật Đầu tư 2020.

Nguồn: Thư viện pháp luật

social