• Mail: htdnv247@gmail.com
  • 0909 206 247

Hóa đơn điện tử có sai sót nhưng chưa gửi cho người mua thì xử lý như thế nào?

Công ty tôi vừa áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123. Do chưa quen sử dụng nên nhân viên kế toán có nhập sai giá hàng hóa và hóa đơn đã được cơ quan thuế cấp mã nhưng chưa gửi cho người mua. Vậy, trường hợp này phải xử lý hóa đơn bị sai này như thế nào? Và có bị xử phạt đối với việc lập hóa đơn sai này không?

Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:

Trường hợp của anh/chị đã sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP nên việc xử lý hóa đơn cũng sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP (căn cứ khoản 6 Điều 12 Thông tư 78/2021/TT-BTC).

Cụ thể, theo điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, xử lý hóa đơn điện tử có sai được quy định như sau:

“Điều 19. Xử lý hóa đơn có sai sót

1. Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua. Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.”

Như vậy, trong trường hợp của anh/chị, do hóa đơn điện tử có sai sót về giá hàng hóa đã được cấp mã của cơ quan thuế nhưng chưa gửi cho người mua nên anh/chị cần tiến hành xử lý hóa đơn như sau:

- Thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót (theo mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP);

- Lập hóa đơn điện tử mới, ký số và gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập;

- Gửi hóa đơn điện tử mới đã được cấp mã của cơ quan thuế cho người mua;

- Việc hủy hóa đơn điện tử có sai sót sẽ được cơ quan thuế tiến hành và lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.

 

Mặt khác, căn cứ điểm đ khoản 3 Điều 27 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, nếu anh/chị hủy hóa đơn đã lập không đúng theo trình tự hướng dẫn bên trên thì có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Ngoài ra, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, nếu anh/chị không tiến hành xử lý hóa đơn điện tử đã lập bị sai sót (cụ thể là sai sót về giá trị hàng hóa) còn có thể bị xem là hành vi trốn thuế nếu cơ quan thuế phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và xác định việc ghi sai giá trị hàng hóa là nhằm làm giảm số tiền thuế phải nộp.

Lúc này, anh/chị sẽ phải nộp đủ số tiền trốn thuế vào ngân sách nhà nước và bị phạt từ 01 đến 03 lần số tiền thuế trốn tùy vào việc có tình tiết giảm nhẹ hay tặng nặng hay không.

Do vậy, khi phát hiện hóa đơn có bất kỳ sai sót gì, anh/chị nên nhanh chóng xử lý hóa đơn đã lập bị sai sót ngay khi phát hiện để tránh bị xử phạt.

Nguồn : Thư Viện Pháp Luật

social