Giám đốc/Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, nhân danh doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty. Giám đốc, Tổng giám đốc có trách nhiệm điều hành, quản lý, hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao. Tuy nhiên không phải bất kỳ cá nhân nào cũng có thể làm Giám đốc, Tổng giám đốc của một công ty nếu họ không đạt được các tiêu chuẩn theo quy định.
Tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành Giám đốc, Tổng giám đốc?
Dựa theo Điều 64 Luật doanh nghiệp 2020 về tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành Giám đốc, Tổng giám đốc:
• Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.
(Bởi vì nếu thuộc các trường hợp đó thì sẽ thuộc nhóm đối tượng bị cấm về việc thành lập và quản lý doanh nghiệp)
• Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.
(Vì GĐ/TGĐ sẽ là những người giám sát trực tiếp hoạt động của công ty, họ sẽ là người tuyển dụng nhân lực, điều hành chi phối, kí hợp đồng, đưa ra các quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm,...họ tiếp nhận rất nhiều vai trò cùng lúc nên để ngồi ở vị trí này cần có một người có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm và đủ bản lĩnh)
• Đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty, Kiểm soát viên của công ty và của công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty và công ty mẹ.
Điều kiện làm Giám đốc/Tổng giám đốc Công ty đại chúng: Điều 162 LDN 2020
Bổ sung điểm mới: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quy định riêng về điều kiện đối với Giám đốc/Tổng giám đốc của Công ty cổ phần đại chúng:
(1) Không được là người có quan hệ gia đình với người quản lý doanh, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ;
(2) Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty
Quyền hạn và nghĩa vụ của Giám đốc/ Tổng giám đốc?
Theo Khoản 3 Điều 162 thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
b) Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
d) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;
đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
e) Quyết định tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
g) Tuyển dụng lao động;
h) Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
i) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.
Kết luận:
- Giám đốc, Tổng giám đốc trước tiên phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng quy định theo Luật doanh nghiệp tại Khoản 2 Điều 17 LDN 2020. GĐ/TGĐ phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh. Nếu công ty cần Giám đốc, Tổng giám đốc mà không theo tiêu chuẩn này hoặc theo tiêu chuẩn khác theo yêu cầu, tình hình riêng của công ty thì phải quy định trong Điều lệ công ty.
- Đối với Giám đốc/ Tổng giám đốc Công ty đại chúng theo Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung không được là người có quan hệ gia đình với người quản lý doanh, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty.
Nguồn Tổng hợp