• Mail: htdnv247@gmail.com
  • 0909 206 247 - 089 883 5656

Trước hết, bản quyền hình ảnh được hiểu là quyền của chủ sở hữu cũng như là các chủ thể có liên quan đối với tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác (Điều 14 Nghị định 22/2018/NĐ-CP).

Theo đó, đây là hành vi xâm phạm đến bản quyền hình ảnh – khách thể được pháp luật bảo vệ. Đó là sử dụng hình ảnh trái phép, không có sự đồng ý của chủ sở hữu hay các chủ thể liên quan đến hình ảnh mà thực hiện dùng hình ảnh, khai thác công dụng của hình ảnh mà không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 9 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, theo đó, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác và các tổ chức, cá nhân bị xâm phạm bản quyền hình ảnh có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Do vậy, hành vi sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền sẽ phải chịu những chế tài theo luật định, tùy vào từng trường hợp cụ thể với mức độ, tính chất khác nhau.

Sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền bị xử lý hành chính

Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan chỉ rõ hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm bản quyền như sau:

– Trường hợp sử dụng hình ảnh mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên hình ảnh hoặc nêu không đúng trên bản sao thì:

+ Bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;

+ Bị buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai lệch và buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên hình ảnh trên bản sao có thông tin sai lệch.

– Trường hợp truyền đạt hình ảnh đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả thì:

+ Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

+ Bị buộc dỡ bỏ bản sao hình ảnh vi phạm.

– Trường hợp sao chép hình ảnh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả thì:

+ Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng;

+ Bị buộc dỡ bỏ bản sao hình ảnh vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền bị xử lý dân sự

Khi chủ thể khác có hành vi sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền thì chủ sở hữu hoặc chủ thể có liên quan có quyền về quyền tác giả có thể khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định về các biện pháp dân sự mà Tòa án áp dụng để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền hình ảnh như sau

Thứ nhất, buộc chấm dứt hành vi xâm phạm: tác động đến người vi phạm bản quyền hình ảnh, bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước cưỡng chế để người vi phạm phải ngừng lại, không tiếp tục thực hiện hành vi sử dụng hình ảnh trái pháp luật;

Thứ hai, buộc xin lỗi, cải chính công khai: bằng bản án, quyết định của Tòa án thì người vi phạm phải thực hiện xin lỗi chủ bản quyền bị xâm phạm, sửa chữa lại những thông tin sai lệch về hình ảnh đã bị sử dụng trái phép trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình… để khôi phục danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng… cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm;

Thứ ba, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự: đây là biện pháp của Tòa án nhằm cưỡng chế người sử dụng hành ảnh vi phạm bản quyền thực hiện đúng và đầy đủ những gì đã cam kết (nếu có);

Thứ tư, buộc bồi thường thiệt hại: mức thiệt hại sẽ được xác định theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, được Tòa án thể hiện trong bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải chịu do hành vi sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền gây ra.

Sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền bị xử lý hình sự

Ngoài ra, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đầy đủ các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội phạm. Vấn đề này được quy định tại Điều 212 Luật sở hữu trí tuệ 2005. Hành vi này là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bị coi là tội phạm với tội danh qu định tại Điều 225 Bộ luật hình sự 2015, đó là tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Như vậy, hành vi này có thể bị xử lý hành chính, xử lý dân sự hoặc thậm chí là chịu trách nhiệm hình sự nếu cấu thành tội phạm và có thể phải chịu hình phạt lên đến 03 năm tù giam.

Nguồn: Luật Hùng Sơn


Xem các bài viết liên quan :

>> Bán Hàng Không Rõ Nguồn Gốc, Xuất Xứ Có Thể Bị Phạt Đến 200 Triệu Đồng <<

>> 8 Nhóm Hành Vi Vi Phạm Lĩnh Vực Quảng Cáo Sẽ Có Mức Phạt Ra Sao <<

social