• Mail: htdnv247@gmail.com
  • 0909 206 247 - 089 883 5656

 

Luật kế toán năm 2015 ra đời thay thế Luật kế toán năm 2003. Luật kế toán năm 2015 được kết cấu gồm 06 chương và 74 điều. Việc sửa đổi Luật kế toán lần này nhằm các mục tiêu sau:

Thứ nhất, để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán, đặc biệt là nguyên tắc kế toán, chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính, kế toán nhằm tạo điều kiện cho kế toán thật sự trở thành một công cụ trong việc quản lý tài chính của doanh nghiệp, các đơn vị tài chính kế toán cũng như công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước.

Thứ hai, tạo điều kiện phát triển ngành nghề kế toán, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, trong đó có hội nhập về tài chính, kế toán.

Thứ ba, việc sửa đổi Luật Kế toán tạo điều kiện tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong lĩnh vực này, góp phần tăng cường nâng cao chất lượng kế toán, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch đối với đơn vị kế toán cũng như toàn xã hội.

Những nội dung mới được quy định trong Luật kế toán năm 2015 gồm:

(i) Về nguyên tắc kế toán

Luật Kế toán năm 2015 bổ sung quy định nguyên tắc giá trị hợp lý (tại Điều 6). Theo đó giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính.

Việc xác định và hạch toán theo giá trị hợp lý có tính kỹ thuật vì vậy Luật giao Bộ Tài chính quy định cụ thể các tài sản và nợ phải trả được ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý, phương pháp kế toán ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý.

(ii) Về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán

Luật Kế toán năm 2015 bổ sung quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán (Điều 7). Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gồm những quy định và hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm kế toán, kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ kế toán. Việc bổ sung quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán giúp cho người làm kế toán, người kinh doanh dịch vụ kế toán đảm bảo tuân thủ quy định chung của nghề nghiệp kế toán. Luật giao Bộ Tài chính quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

(iii) Về các hành vi bị cấm

Luật Kế toán năm 2015 bổ sung các hành vi bị cấm (Điều 13) nhằm đảm bảo bao hàm được tất cả các hành vi gian lận, sai phạm trong quá trình thực hiện luật, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm. Các hành vi được bổ sung như: (a) Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán; (b) Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức; (c) Kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề dịch vụ kế toán khi không bảo đảm điều kiện quy định của Luật này; (d) Thuê cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị mình; (e) Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật,....

(iv) Về chứng từ kế toán điện tử, sổ kế toán trên phương tiện điện tử

Ngoài việc kế thừa quy định của Luật kế toán năm 2003 là chứng từ điện tử, sổ kế toán trên phương tiện điện tử sau khi khóa sổ được in ra giấy, làm các thủ tục và lưu trữ theo quy định, Luật kế toán năm 2015 (Điều 18, Điều 26) bổ sung quy định đối với trường hợp không in ra giấy mà thực hiện lưu trữ trên các phương tiện điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.

(v) Về tài khoản kế toán

Luật Kế toán năm 2015 bổ sung quy định về các hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho đơn vị kế toán có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị không sử dụng ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và đơn vị kế toán khác (Điều 22).

(vi) Về báo cáo tài chính nhà nước

Luật Kế toán 2015 bổ sung quy định mới về báo cáo tài chính nhà nước (Điều 30). Báo cáo tài chính nhà nước cung cấp thông tin về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, nợ công, vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tài sản, nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước. Báo cáo tài chính nhà nước gồm: (a) Báo cáo tình hình tài chính nhà nước; (b) Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước; (c) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; (d) Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước. Đồng thời Luật cũng quy định về trách nhiệm lập báo cáo tài chính nhà nước của Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan.

(vii) Về kiểm tra kế toán

- Luật Kế toán năm 2015 bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán gồm: a) Bộ Tài chính; b) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở trung ương quyết định kiểm tra kế toán các đơn vị kế toán trong lĩnh vực được phân công phụ trách; c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định kiểm tra kế toán các đơn vị kế toán tại địa phương do mình quản lý; d) Đơn vị cấp trên quyết định kiểm tra kế toán đơn vị trực thuộc (Điều 34).

- Về cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán: ngoài các cơ quan nêu trên thì cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành về tài chính, Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các đơn vị kế toán cũng có thẩm quyền kiểm tra kế toán.

(viii) Về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ

Luật kế toán năm 2015 bổ sung thêm quy định về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ để tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác kế toán (Điều 39).

- Về kiểm soát nội bộ: Luật quy định đơn vị phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ để bảo đảm (a) Tài sản của đơn vị được bảo đảm an toàn, tránh sử dụng sai mục đích, không hiệu quả; (b) Các nghiệp vụ được phê duyệt đúng thẩm quyền và được ghi chép đầy đủ làm cơ sở cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực, hợp lý.

- Về kiểm toán nội bộ: Luật quy định kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ. Đồng thời quy định nhiệm vụ cụ thể của kiểm toán nội bộ và giao Chính phủ quy định chi tiết về kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

(ix) Về trách nhiệm của người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán và kế toán trưởng

- Bổ sung trách nhiệm người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán. Theo đó ngoài các trách nhiệm đã được quy định tại Luật kế toán năm 2003, đã bổ sung thêm các quy định: (a) Chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm do người khác gây ra nhưng thuộc trách nhiệm quản lý của mình; (b) Tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị và thực hiện kiểm tra kế toán các đơn vị cấp dưới.

- Bổ sung trách nhiệm của kế toán trưởng (Điều 55) phải lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.

(x) Về kinh doanh dịch vụ kế toán

- Luật kế toán năm 2015 bổ sung quy định về “kế toán viên hành nghề” (Điều 3). Theo đó người có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên: Có năng lực hành vi dân sự; Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học; Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức sẽ đăng ký hành nghề và được công nhận là kế toán viên hành nghề (Điều 58).

- Về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, Luật kế toán năm 2015 quy định rõ về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Theo đó, đối với doanh nghiệp phải có ít nhất 2 người là kế toán viên hành nghề (Điều 60), đối với cá nhân phải thành lập hộ kinh doanh và cá nhân đó phải là kế toán viên hành nghề (Điều 65).

- Ngoài ra Luật cũng bổ sung các quy định về điều kiện, hồ sơ, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính; Quy định rõ về trách nhiệm của kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán; Quy định các trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán; Quy định các trường hợp bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán, bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và bị đình chỉ hành nghề đối với kế toán viên hành nghề.

(xi) Tổ chức nghề nghiệp kế toán

Để tăng cường vai trò của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, Luật Kế toán năm 2015 bổ sung 1 điều (Điều 70) quy định về vấn đề này. Theo đó tổ chức nghề nghiệp về kế toán được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kế toán do Chính phủ quy định.

(xii) Về quản lý nhà nước về kế toán

Luật kế toán năm 2015 (Điều 71) quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kế toán; Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về kế toán, đồng thời nêu rõ các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính.

Luật kế toán năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Riêng đối với báo cáo tài chính nhà nước, Luật quy định Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt đầu việc lập báo cáo tài chính nhà nước chậm nhất là 24 tháng, kể từ ngày Luật có hiệu lực.

Theo mof.gov.vn

 

social