Quản trị tài chính là trụ cột không thể thiếu, là mắt xích trọng yếu quyết định sự ổn định và bền vững của doanh nghiệp. Bức tranh về quản trị tài chính không phải là những mảnh ghép rời rạc, mà chính là một tập hợp các hành động tài chính có sức ảnh hưởng lớn.
1. Quản trị tài chính là gì? |
Quản trị tài chính là chức năng kinh doanh liên quan đến việc quản lý và kiểm soát các nguồn lực tài chính sẵn có (bao gồm việc quản lý tiền mặt, quản lý nợ và tín dụng, quản lý đầu tư, và quản lý tài sản) để đạt được lợi tức đầu tư (ROI). Nói cách khác, quản trị tài chính là lập kế hoạch, tổ chức và kiểm soát tất cả các giao dịch trong một doanh nghiệp.
Mục tiêu chính của quản trị tài chính là tối ưu hóa giá trị cho cổ đông và đảm bảo sự ổn định tài chính của tổ chức. Hoạt động này có thể là quản lý nguồn thu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ; giảm thiểu chi phí sản xuất, quảng cáo, nhân sự và các chi phí khác liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý nợ của doanh nghiệp
2. Các khía cạnh của quản trị tài chính |
2.1. Lập kế hoạch tài chính
Kế hoạch tài chính là một bản lược đồ chi tiết và tổng thể về cách tổ chức sẽ quản lý, sử dụng và phân phối nguồn lực tài chính của mình trong khoảng thời gian cụ thể.
Lập kế hoạch tài chính bao gồm việc xác định mục tiêu tài chính, dự báo thu chi, lập ngân sách chi tiết, quản lý nợ và đầu tư,… và đề xuất các chiến lược tài chính để đạt được mục tiêu tài chính.
Việc lập kế hoạch tài chính rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp có được cái nhìn tổng thể về tình hình tài chính, từ đó đánh giá và điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong dài hạn.
2.2. Dự trù ngân sách
Người quản lý tài chính sẽ phân bổ nguồn vốn sẵn có của công ty để đáp ứng các khoản chi phí, bao gồm chi phí cố định, chi phí biến động và các nghĩa vụ thuế và khoản nợ khác.
Một khía cạnh quan trọng của quá trình lập ngân sách là tạo dự trữ tài chính. Việc này giúp doanh nghiệp đối mặt với rủi ro và cơ hội đột ngột mà không ảnh hưởng đến ổn định tài chính, đồng thời kiểm soát chi phí và lợi nhuận được thiết lập để đảm bảo rằng nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả và bền vững.
2.3. Phân tích rủi ro tài chính
Phân tích rủi ro tài chính là quá trình đánh giá và xác định các yếu tố rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính của tổ chức, từ đó đưa ra những giải pháp và kế hoạch hành động để giảm thiểu tác động của chúng.
Các yếu tố rủi ro có thể bao gồm biến động thị trường, thay đổi thu nhập, thậm chí là các biến đổi về chính trị hoặc tình hình kinh tế toàn cầu. Từ việc dự đoán và đánh giá mức độ tác động của từng rủi ro, doanh nghiệp sẽ đề xuất các chiến lược bảo vệ phù hợp, giúp tổ chức thích ứng và phát triển một cách bền vững.
Rủi ro thị trường
Trong quản trị tài chính, rủi ro thị trường như biến động của lãi suất, tỷ giá hối đoái, và thị trường chứng khoán có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá trị tài sản của doanh nghiệp. Thêm vào đó, biến động trong giá nguyên liệu và tình hình kinh tế toàn cầu cũng tạo ra những thách thức đối với quản lý chi phí và doanh thu.
Rủi ro tín dụng
Khách hàng không thanh toán hóa đơn đúng hạn có tác động tiêu cực đến quản trị tài chính của doanh nghiệp. Sự chậm trễ trong việc thu hồi tiền có thể dẫn đến tình trạng thiếu vốn, khiến doanh nghiệp không đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính, bao gồm cả thanh toán nhà cung cấp, lương nhân viên, và các khoản nợ khác.
Rủi ro thanh khoản
Sự chậm trễ trong việc thu hồi tiền, sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn và các khoản nợ phải trả có thể tạo ra tình trạng thiếu hụt tiền mặt, đặc biệt khi xuất hiện các yếu tố đột ngột như giảm doanh số bán hàng. Vì vậy, doanh nghiệp cần duy trì dự trữ tiền mặt, và thiết lập chính sách quản lý nợ hiệu quả để bảo vệ thanh khoản ngắn hạn và giữ vững uy tín tín dụng.
2.4 Thiết lập quy trình tài chính liên quan
Quản lý nguồn lực tài chính
Nguồn lực tài chính có thể bao gồm tiền mặt, tài sản, vốn và các nguồn thu nhập khác. Quản lý nguồn lực tài chính là quá trình sử dụng và kiểm soát các nguồn lực tài chính một cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu, đồng thời đảm bảo rằng tổ chức không vượt quá nguồn lực tài chính của mình.
Bằng cách xác định mục tiêu và chiến lược kinh doanh, tổ chức có thể phân bổ nguồn lực tài chính một cách chi tiết và linh hoạt. Chẳng hạn, một doanh nghiệp đang mở rộng quy mô kinh doanh có thể thiết lập một ngân sách đủ lớn để đảm bảo rằng quá trình mở rộng được diễn ra mạnh mẽ và liên tục.
Quản lý vốn đầu tư
Quản lý vốn đầu tư là quá trình quản lý và điều phối các nguồn vốn của tổ chức vào các dự án, tài sản, hoặc các cơ hội đầu tư khác nhau để tối ưu hóa lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và đạt được các mục tiêu tài chính cụ thể.
Quản lý vốn đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển của một doanh nghiệp. Thứ nhất, nó giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ. Thứ hai, nó có thể dẫn đến sự đa dạng hóa cung ứng và mở rộng thị trường tiềm năng. Cuối cùng, nó giúp tối ưu hóa lợi nhuận và tăng giá trị cho cổ đông.
Lập báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính là các thông tin kinh tế được trình bày dưới dạng bảng biểu, cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp, được sử dụng trong việc đưa ra các quyết định về kinh tế.
Một bộ báo cáo tài chính bao gồm bốn loại báo cáo chính:
- Bảng cân đối kế toán cung cấp thông tin về tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cung cấp thông tin về doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán.
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cung cấp thông tin về các luồng tiền vào và ra của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán.
- Biên bản giải trình thay đổi vốn chủ sở hữu cung cấp thông tin về sự thay đổi trong vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán.
3. Tầm quan trọng của quản trị tài chính đối với doanh nghiệp |
Quản trị tài chính là một khía cạnh quan trọng giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh của mình. Nếu làm tốt, doanh nghiệp có thể đảm bảo sự ổn định tài chính, tối đa hóa lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và tạo ra giá trị cho các bên liên quan.
3.1. Bảo đảm sự ổn định tài chính
Đảm bảo thanh khoản
Quản trị tài chính giúp đảm bảo sự thanh khoản của doanh nghiệp, tức khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt một cách nhanh chóng.
Một ví dụ điển hình trong thời kỳ khó khăn như đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã đối mặt với giảm giờ làm việc, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, và sự giảm giá trị của tài sản. Các doanh nghiệp có chiến lược thanh khoản tốt, như giảm chi phí linh hoạt và duy trì dự trữ tiền mặt, đã có khả năng tự bảo vệ khỏi áp lực tài chính và duy trì sự ổn định.
Hơn thế nữa, quản trị tài chính đảm bảo rằng doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính để đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán và duy trì khả năng thanh toán linh hoạt. Điều này giúp ngăn chặn rủi ro về việc không thể thanh toán nhanh chóng khi cần thiết.
Phòng tránh rủi ro tài chính
Quản trị tài chính giúp bảo vệ lợi nhuận và vốn của doanh nghiệp trước những biến động không lường trước được trên thị trường. Điều này giúp duy trì sự ổn định trong việc tích lũy và sử dụng vốn hiệu quả.
Việc phòng tránh rủi ro tài chính là chìa khóa để đảm bảo sự bền vững và phát triển của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, một doanh nghiệp quản trị tốt rủi ro tài chính sẽ thu hút được nhiều hơn sự chú ý và niềm tin của các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh.
3.2. Hỗ trợ quyết định chiến lược
Xác định chiến lược tài chính
Quản trị tài chính giúp doanh nghiệp phân loại và xác định các mục tiêu tài chính cụ thể về lợi nhuận, thanh khoản, tăng trưởng và cấu trúc vốn. Điều này giúp doanh nghiệp tránh rơi vào tình trạng mơ hồ và có thể xác định được chiến lược tài chính phù hợp – chiếc cầu nối giữa mục tiêu và cách doanh nghiệp quản lý nguồn lực tài chính để đạt được mục tiêu đó.
Tùy vào từng thời điểm, một doanh nghiệp có thể đặt mục tiêu tăng cường thanh khoản để đối mặt với các cơ hội đầu tư nhanh chóng, hoặc đặt mục tiêu tăng trưởng để mở rộng thị trường.
Đánh giá khả năng tài chính trong chiến lược doanh nghiệp
Quá trình đánh giá khả năng tài chính không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ về tình hình hiện tại mà còn hỗ trợ việc xây dựng chiến lược doanh nghiệp vững mạnh và linh hoạt. Điều này bao gồm việc theo dõi và đánh giá các chỉ số như ROE (Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) và ROA (Lợi nhuận trên tổng tài sản).
Việc hiểu rõ cách nguồn lực tài chính được sử dụng và đạt được mức độ sinh lời như thế nào sẽ giúp chủ doanh nghiệp có được những biện pháp tài chính điều chỉnh kịp thời và thích ứng với thị trường.
3.3. Nâng cao giá trị cổ đông
Tối ưu hóa cấu trúc vốn
Một trong những lợi ích quan trọng nhất của quản trị tài chính là khả năng giảm chi phí vốn. Bằng cách tối ưu hóa cấu trúc vốn, doanh nghiệp có thể chọn lựa các nguồn vốn với chi phí thấp nhất, từ đó giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính và tăng cường lợi nhuận. Ví dụ, sử dụng nguồn vốn nội địa có lãi suất thấp hơn so với vay ngoại tệ với lãi suất cao.
Ngoài ra, việc duy trì mức thanh khoản đủ cũng giúp giảm rủi ro tài chính, tăng khả năng đối mặt với các thách thức và cơ hội trong môi trường kinh doanh biến động.
Tăng cường hiệu suất tài chính
Hiệu suất tài chính là một đánh giá về khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp trong việc quản lý và sử dụng tài chính. Nó thường được đo lường thông qua một loạt các chỉ số và báo cáo tài chính như bảng cân đối kế toán, bảng lưu chuyển tiền tệ, và bảng kết quả kinh doanh.
Hiệu suất tài chính cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe tài chính doanh nghiệp, giúp các bên liên quan như cổ đông, ngân hàng, nhà đầu tư và quản lý hiểu rõ về khả năng sinh lời, khả năng thanh toán nợ, và khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Quản trị tài chính bao gồm tổ hợp các hoạt động kiểm soát nguồn lực tài chính sẽ giúp nâng cao hiệu suất tài chính, giúp đảm bảo rằng nguồn lực tài chính được sử dụng một cách hiệu quả và ổn định, từ việc quản lý vốn đến quản lý nợ.
Quản trị tài chính không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định tài chính mà còn đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu suất tài chính dài hạn. Qua việc áp dụng một loạt các biện pháp và chiến lược của quản trị tài chính, doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực tài chính, đảm bảo rằng tiền mặt và các nguồn vốn khác đáp ứng đầy đủ nhu cầu kinh doanh, tối ưu hóa lợi nhuận.