Trong xu thế hội nhập và phát triển, dịch vụ thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để thay mặt chủ sở hữu điều hành doanh nghiệp không còn là khái niệm xa lạ đối các nhà kinh doanh. Tuy nhiên, Thuê giám đốc thế nào cho đúng luật, mời các bạn theo dõi bài viết chia sẻ của Hành Trình Doanh Nghiệp Việt.
Luật doanh nghiệp 2015 không cấm công ty thuê Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc. Do vậy, doanh nghiệp được quyền thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty và chịu trách nhiệm trước Hội Đồng Thành Viên hoặc Hội Đồng Quản Trí về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Thuê giám đốc thế nào cho đúng luật
Nếu điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên là người đại diện theo Pháp luật, thì Giám đốc (Tổng giám đốc) là người đại diện theo pháp luật của công ty. Nếu Giám đốc (Tổng giám đốc) được thuê là người đại diện theo pháp luật của công ty thì ngay khi có quyết định bổ nhiệm Giám đốc (Tổng giám đốc), công ty phải thông báo đến cơ quan Đăng Ký Kinh Doanh để sửa đổi người đại diện trên giấy chứng nhận Đăng Ký Kinh Doanh; khi kết thúc hợp đồng mà không ký tiếp hợp đồng mới hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Giám đốc (Tổng giám đốc) thì công ty cũng phải thông báo tới cơ quan Đăng Ký Kinh Doanh để chỉnh sửa giấy chứng nhận Đăng Ký Kinh Đoanh.
Thông thường việc thuê Giám đốc thông qua việc ký một hợp đồng lao động và một quyết định bổ nhiệm và môi quan hệ này được điều chỉnh bởi Luật lao động. Như vậy, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc thuê như một người lao động trong doanh nghiệp. Hay nói cách khác, mối quan hệ giữa giám đốc và công ty (đại diện là Hội Đồng Quản Trị) ở đây là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Mối quan hệ này vì thế phải được điều chỉnh chủ yếu bởi pháp luật về lao động sau đó mới đến pháp luật về doanh nghiệp.
Việc ký kết thuê Giám đốc dưới dạng hợp đồng lao động cũng gặp những rủi ro nhất định. Luật Doanh nghiệp 2015 cho phép một nhiệm kỳ Giám đốc không quá 5 năm. Tuy nhiên, Bộ luật lao động lại quy định ba loại hợp đồng lao động:
(i) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
(ii) Hợp đồng lao động xác định thời hạn và (iii) Hợp đồng lao động theo mùa vụ. Như vậy, nếu hợp đồng lao động ký với giám đốc là hợp đồng không xác định thời hạn (hoặc trường hợp hợp đồng xác định thời hạn đủ điều kiện trở thành hợp đồng không xác định thời hạn) thì sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, công ty có được chấm dứt hợp đồng lao động và bổ nhiệm người khác làm giám đốc không? Hoặc nếu chưa hết 5 năm mà vị giám đốc đó điều hành không hiệu quả, liệu công ty có thể chấm dứt hợp đồng lao động không? Điều gì bảo đảm cho việc công ty không bị kiện vì đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật? Do vậy khi ký hợp đồng thuê Giám đốc , chủ sở hữu công ty cần cần cân nhắc chi tiết vấn đề này để ký hợp đồng lao động phù hợp theo luật định tránh vấn đề tranh chấp pháp lý đáng tiếc xảy ra.
Có những doanh nghiệp không thực hiện thuê Giám đốc theo hợp đồng lao động mà thực hiện theo hình thức hợp đồng ủy quyền theo đó chủ tịch Hội Đồng Quản Trị sẽ ký một hợp đồng ủy quyền quản lý với giám đốc, trong đó quy định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên. Trong hợp đồng ủy quyền, thay vì được hưởng lương, các bên có thể thỏa thuận việc giám đốc sẽ được nhận một khoản thù lao xác định hoặc tỷ lệ (%) với doanh thu đạt được. Ưu điểm của phương án này là Chủ sở hữu doanh nghiệp và Giám đốc thuê không bị ràng buộc bằng một Hợp đồng lao động, một trong những ưu điểm khác của hợp đồng ủy quyền là việc bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào mà không cần nêu lý do. Như vậy, nếu nhận thấy giám đốc không có năng lực, Hội Đồng Quản Trị chỉ việc ra một thông báo chấm dứt hợp đồng ủy quyền với người đó là có thể bổ nhiệm người khác thay thế để có thể giúp công ty hoạt động tốt hơn. Điều đó cũng tạo động lực cho người giám đốc, họ phải luôn luôn nỗ lực và sáng tạo nếu không muốn bị cho nghỉ việc bất cứ lúc nào.