• Mail: htdnv247@gmail.com
  • 0909 206 247 - 089 883 5656

Khi hoạt động doanh nghiệp rơi vào bế tắc, chưa tìm thấy hướng đi mới thì thông thường lựa chọn là giải thế, phá sản hoặc sáp nhập để tồn tại.

Hãy cùng Hành Trình Doanh Nghiệp Việt tìm hiểu 03 hình thức giải thể, phá sản và sáp nhập doanh nghiệp khác nhau như thế nào?

GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

Giải thể doanh nghiệp là gì?

Giải thể doanh nghiệp là việc doanh nghiệp tự nguyện chấm dứt hoặc bị bắt buộc chấm dứt hoạt động và bị xóa tên khỏi sổ đăng ký kinh doanh.

Khi nào thì doanh nghiệp giải thể?

1. Doanh nghiệp có thể tự quyết định việc giải thể trong các trường hợp:

  • Hết thời hạn hoạt động của doanh nghiệp;
  • Có quyết định giải thể của người có thẩm quyền quyết định việc giải thể của doanh nghiệp;
  • Các trường hợp khác được quy định tại Điều lệ doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp bị bắt buộc giải thể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Khi doanh nghiệp không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu trong thời hạn 6 tháng liên tục nhưng không thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
  • Khi doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Những ai có quyền yêu cầu, quyết định việc giải thể?

1. Trong trường hợp giải thể tự nguyện, những người sau đây có quyền yêu cầu và cũng có quyền ra quyết định giải thể doanh nghiệp:

  • Đối với Doanh nghiệp tư nhân: Chủ doanh nghiệp tư nhân;
  • Đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Hội đồng thành viên;
  • Đối với Công ty TNHH 1 thành viên: Chủ sở hữu công ty;
  • Đối với Công ty Cổ phẩn: Đại hội đồng cổ đông.

2. Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp như thế nào?

Việc giải thể doanh nghiệp là một thủ tục hành chính, được doanh nghiệp tự thực hiện theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp, trong đó bao gồm các thủ tục cơ bản sau:

  • Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp;
  • Thông báo công khai quyết định giải thể;
  • Tổ chức thanh lý tài sản;
  • Thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;
  • Nộp hồ sơ giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh;
  • Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

3. Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự như thế nào?

Khi thực hiện thủ tục giải thể, tài sản doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự như sau:

  • Các khoản nợ đối với người lao động (lương, bảo hiểm, …);
  • Nợ thuế đối với nhà nước;
  • Các khoản nợ khác;

Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại (nếu có) được chia cho chủ sở hữu doanh nghiệp (đối với Doanh nghiệp tư nhân: Chủ doanh nghiệp tư nhân; đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên: các thành viên; đối với Công ty TNHH 1 thành viên: Chủ sở hữu công ty; đối với Công ty cổ phần: các Cổ đông) theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

4. Hệ quả pháp lý của việc giải thể doanh nghiệp là gì?

Doanh nghiệp sau khi giải thể sẽ bị xóa tên khỏi sổ đăng ký kinh doanh, bị đóng mã số thuế và chấm dứt hoạt động.

PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

Phá sản doanh nghiệp là gì?

  • Phá sản doanh nghiệp là tình trạng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.
  • Mất khả năng thanh toán là khi doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Những ai có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?

Những người có quyền bao gồm:

  • Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần;
  • Người lao động, công đoàn cơ sở (hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp);
  • Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong ít nhất 06 tháng liên tục.

Những người có nghĩa vụ bao gồm:

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch
  • Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty, Thành viên hợp danh.
  • Khi nào thì được/phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?

Khi những người có quyền, có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhận thấy doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.Trình tự, thủ tục giải quyết việc phá sản doanh nghiệp như thế nào?

Giải quyết việc phá sản là một thủ tục tố tụng được tiến hành tại Tòa án theo quy định của pháp luật phá sản, trong đó bao gồm các bước cơ bản sau:

  • Nộp đơn và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
  • Ra quyết định mở thủ tục phá sản (nếu tòa án xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán);
  • Chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
  • Tổ chức hội nghị chủ nợ và thông qua Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ;
  • Tổ chức phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (nếu được Hội nghị chủ nợ thông qua);

Tuyên bố doanh nghiệp phá sản nếu thuộc 1 trong các trường hợp sau:

  • Nếu doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh do Hội nghị chủ nợ thông qua;
  • Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh;
  • Doanh nghiệp không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn cho phép;
  • Hội nghị chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp;
  • Hội nghị chủ nợ không thành.
  • Tòa án có quyền giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp như: người có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản hoặc sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản.

Hội nghị chủ nợ có những quyền gì?

Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra Nghị quyết trong đó có một trong các kết luận sau:

  • Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán;
  • Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp;
  • Đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Tài sản của doanh nghiệp được phân chia như thế nào khi phá sản?

Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự sau:

  • Chi phí phá sản;
  • Các khoản nợ đối với người lao động (lương, bảo hiểm, …);
  • Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ;
  • Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Sau khi đã thanh toán theo thứ tự trên, phần còn lại (nếu có) được chia cho chủ sở hữu doanh nghiệp (đối với Doanh nghiệp tư nhân: Chủ doanh nghiệp tư nhân; đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên: các thành viên; đối với Công ty TNHH 1 thành viên: Chủ sở hữu công ty; đối với Công ty cổ phần: các Cổ đông) theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

Hệ quả pháp lý của việc phá sản doanh nghiệp là gì?

Doanh nghiệp bị xóa tên khỏi sổ đăng ký kinh doanh, bị đóng mã số thuế và chấm dứt hoạt động.

Nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản

  • Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp người tham gia thủ tục phá sản có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
  • Lưu ý liên quan đến hạn chế quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp của người giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản
  • Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật Phá sản có thể bị hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp làm người quản lý doanh nghiệp trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Doanh nghiệp năm 2014
  • Luật Phá sản năm 2014


SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP

Sáp nhập doanh nghiệp là một hình thức tập trung kinh tế mà theo đó, một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) chuyển toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của mình sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp hiện nay được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp 2014.

Điều kiện sáp nhập doanh nghiệp:

  • Theo Luật doanh nghiệp 2005 thì các công ty cùng loại mới được tiến hành sáp nhập doanh nghiệp, tuy nhiên, khi Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thay thế cho Luật cũ, quy định sáp nhập không còn hạn chế các công ty cùng loại.
  • Trường hợp sáp nhập mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập.
  • Cấm các trường hợp sáp nhập các công ty mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp được quy định tại Điều 19 Luật cạnh tranh 2004 là: một hoặc nhiều doanh nghiệp tham gia sáp nhập đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản; việc sáp nhập có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.

Trình tự, thủ tục thực hiện sáp nhập doanh nghiệp:

Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung sau:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập
  • Thủ tục và điều kiện sáp nhập
  • Phương án sử dụng lao động
  • Cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập

Thời hạn thực hiện sáp nhập
Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua

Các công ty bị sáp nhập thực hiện thủ tục đóng mã số thuế tại cơ quan thuế

Hồ sơ cần chuẩn bị (mang tính tham khảo):

  • Biên bản họp và Quyết định của chủ sở hữu/Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông của Công ty bị sáp nhập về việc sáp nhập công ty, thông qua hợp đồng sáp nhập và Điều lệ công ty nhận sáp nhập
  • Công văn xin xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế và đóng mã số thuế;
  • Hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp (bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp)
  • Tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập

Hồ sơ cần chuẩn bị cho việc đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập tùy thuộc vào việc công ty nhận sáp nhập có thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hay không.

Trường hợp công ty nhận sáp nhập không thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh:

  • Thông báo về việc bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp;
  • Hợp đồng sáp nhập;
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập;
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên sở hữu trên 65% vốn điều lệ của công ty bị sáp nhập;
  • Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của các công ty bị sáp nhập.

Trường hợp công ty nhận sáp nhập có thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh: 

  • Hợp đồng sáp nhập;
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập;
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên sở hữu trên 65% vốn điều lệ của công ty bị sáp nhập;
  • Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của các công ty bị sáp nhập.
  • Kèm theo các giấy tờ quy định tại Chương VI Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. (phụ thuộc vào nội dung công ty muốn thay đổi như: tên công ty; địa chỉ trụ sở chính; vốn điều lệ; thông tin người đại diện theo pháp luật (Đối với công ty TNHH còn có thêm thông tin về thành viên công ty); nội dung về ngành nghề kinh doanh…)
    Lưu ý:

Hệ quả pháp lý của việc phá sản doanh nghiệp là gì?

  • Doanh nghiệp bị sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi sáp nhập doanh nghiệp. Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
  • Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán,hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.

Hãy liên hệ với chúng tôi để doanh nghiệp bạn được hỗ trợ tư vấn tốt nhất!

social