Tạm ngừng kinh doanh là gì?
Theo Khoản 1 Điều 41 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về tạm ngừng kinh doanh như sau:
1. “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Một số lý do tạm ngừng kinh doanh thường gặp như:
• Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, doanh nghiệp thấy hoạt động hiện tại hiệu quả thấp và không ổn định nên thông báo với cơ quan thuế tạm ngừng hoạt động để không phải làm các thủ tục hành chính thuế nhằm tìm kiếm cơ hội mới.
• Bộ phận, cơ cấu công ty có sự thay đổi, công ty phải chuyển địa điểm mới.
• Chủ doanh nghiệp sẽ tạm ngưng hoạt động sau đó làm các thủ tục chấm dứt hoạt động. Sau đó thành lập doanh nghiệp mới để tìm kiếm cơ hội kinh doanh ngành nghề khác, lĩnh vực khác hiệu quả hơn.
Dựa theo các Điều khoản tại Điều 206 LDN 2020 ta có thể biết những quy định mới như sau:
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
* Quy định mới: Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Hồ sơ thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp như sau:
• Thông báo tạm ngừng kinh doanh (dựa theo mẫu tham khảo tại Phụ lục số II-19 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).
• Quyết định tạm ngừng kinh doanh của "chủ sở hữu" công ty TNHH một thành viên, của Hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, Hội đồng quản trị đối với Công ty cổ phần.
• Bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, của HĐQT đối với Công ty cổ phần, của các Thành viên hợp danh đối với Công ty hợp danh.
Trình tự thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp:
A. Doanh nghiệp phải gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký chậm nhất là 03 ngày trước khi tiến hành tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại Điều 206 LDN 2020. Kèm nội dung như sau:
• Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc giấy tờ tương đương khác đối với doanh nghiệp).
• Thời hạn tạm ngừng kinh doanh: "Ngày bắt đầu" và "Ngày kết thúc" thời hạn tạm ngừng.
• Lý do tạm ngừng.
B. Sau khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ xử lý hồ sơ trong vòng 03 ngày làm việc để đưa ra kết quả:
• Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh nếu hồ sơ hợp lệ.
• Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa hợp lệ.
• Không thu lệ phí cho thủ tục này.
Kết luận: Tạm ngừng kinh doanh không phải là kết thúc sự sống còn của một Doanh nghiệp. Ngược lại nó giúp cho doanh nghiệp có thời gian dài trong việc có thời gian để giải quyết các công việc của công ty mình một cách nhanh chóng; hoặc doanh nghiệp có thể cân nhắc một cách chính xác việc xác định có nên tạm ngừng hoạt động kinh doanh hay không. Hay là tìm kiếm một cơ hội trong lĩnh vực kinh doanh khác tạo ra sự năng động trong việc tìm kiếm thị trường. Bởi vì hiện nay khi mà doanh nghiệp tiến hành không kinh doanh nữa. Doanh nghiệp có thể tiến hành hình thức tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong công ty là một giải pháp cho công ty.
Nguồn Tổng hợp