• Mail: htdnv247@gmail.com
  • 0909 206 247 - 089 883 5656

 Tham khảo thông tin từ báo cáo tài chính (BCTC) của các doanh nghiệp (DN) cùng ngành giúp công ty khởi nghiệp xác định cơ cấu chi phí, vốn lưu động hợp lý; nắm bắt quy luật phát triển của các chỉ số khả năng sinh lời của tài sản, đồng vốn đầu tư..., qua đó giúp xây dựng kế hoạch và quản trị các hoạt động kinh doanh phù hợp.

     BCTC bao gồm bản cân đối kế toán (tài sản - nguồn vốn), báo cáo kết quả kinh doanh (lời - lỗ), báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Bản cân đối kế toán cho thấy tài sản ngắn hạn (tiền mặt, phải thu, tồn kho), dài hạn (thiết bị, nhà xưởng...) và nguồn vốn (nợ vay, vốn chủ). Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy dòng tiền thực thu và thực chi của công ty liên quan đến hoạt động đầu tư (mua thêm thiết bị, nhà xưởng, thanh lý tài sản), hoạt động tài chính (vay, trả nợ) và hoạt động kinh doanh (doanh thu, bán chịu, phải thu...). Báo cáo kết quả kinh doanh cho biết lời, lỗ (doanh thu, giá vốn, chi phí quản lý, bán hàng, khấu hao, lãi vay, thuế, lợi nhuận).

    Các hoạt động của DN đều liên quan đến chi - thu tiền, nghĩa là liên quan đến tài chính. Phân tích BCTC giúp thấy được sự hợp lý, tiến bộ hoặc yếu kém của các hoạt động đầu tư, tình hình sử dụng vốn, hoạt động kinh doanh... Phương pháp phân tích BCTC bao gồm phân tích cơ cấu, phân tích tỷ số và phân tích xu hướng. Phân tích xu hướng là so sánh các hạng mục (doanh thu, chi phí, tài sản, vốn chủ, nợ vay và các chỉ số tài chính) trong BCTC theo thời gian để nhận diện xu hướng biến động của chúng.

    Phân tích được thực hiện thông qua việc tính toán xu hướng tăng/giảm phần trăm và tăng/giảm tuyệt đối để đánh giá tình hình công ty đang tăng trưởng hoặc suy giảm. Việc phân tích xu hướng của nhiều DN cùng ngành giúp công ty khởi nghiệp nhận diện được giai đoạn phát triển của ngành mình đang khởi nghiệp (ở giai đoạn bắt đầu, tăng trưởng, bão hòa hay suy thoái), cũng như biết được trên thị trường hiện nay DN nào đang tăng trưởng tốt, DN nào tăng trưởng kém, qua đó rút kinh nghiệm trong điều hành DN của mình.

    Phân tích cơ cấu là lập tỷ số giữa các hạng mục thành phần so với giá trị tổng của các hạng mục trong cùng một bản báo cáo. Chẳng hạn như trong báo cáo kết quả kinh doanh, lập các tỷ số giữa giá vốn, chi phí quản lý, chi phí bán hàng, khấu hao, chi phí lãi vay, lợi nhuận... so với (chia) doanh thu để thấy tỷ trọng từng hạng mục chi phí trong doanh thu.

    Trong bản cân đối kế toán, lập tỷ số nợ phải trả, vốn chủ sở hữu so với (chia) tổng nguồn vốn để biết được đóng góp của từng loại nguồn vốn; lập tỷ số giữa tài sản ngắn hạn, dài hạn so với (chia) tổng tài sản để thấy đóng góp của từng loại tài sản. Trên thực tế, công ty khởi nghiệp thường gặp khó trong việc xác định cơ cấu chi phí, cơ cấu tài sản hợp lý của ngành kinh doanh, nên khó xây dựng kế hoạch tài chính đảm bảo cạnh tranh. Do vậy, việc này giúp công ty khởi nghiệp đưa ra những quyết định phù hợp về cơ cấu chi phí, tài sản.

      Phân tích tỷ số là lấy một hạng mục nào đó chia cho hạng mục khác (các hạng mục có thể cùng hoặc khác bản BCTC) để phản ánh hiệu quả của một hoạt động nào đó trong DN. Chẳng hạn như lợi nhuận ròng chia tổng tài sản cho thấy khả năng sinh lời của tài sản, lợi nhuận trước thuế và lãi vay chia cho chi phí lãi vay cho thấy khả năng thanh toán chi phí lãi vay của DN... Phân tích những thông tin này của DN cùng ngành giúp công ty nhận biết được mức độ hấp dẫn của ngành mình đang khởi nghiệp để xác định hướng kinh doanh lâu dài.

     Cơ bản có bốn nhóm chỉ số quan hệ mật thiết với nhau, bao gồm chỉ số biểu hiện khả năng sinh lời, khả năng trả nợ ngắn hạn, trả nợ dài hạn và hiệu quả quản lý vốn lưu động. Khả năng sinh lời của tài sản được biểu hiện qua tỷ số lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA), cho thấy 1 đồng tài sản tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận; khả năng sinh lời của doanh thu biểu hiện qua tỷ số lợi nhuận trên doanh thu (ROS), cho thấy 1 đồng doanh thu tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận; khả năng sinh lời của vốn chủ biểu hiện qua tỷ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ (ROE), cho thấy 1 đồng vốn chủ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. Tỷ suất sinh lời của vốn chủ (ROE) là kết quả của hiệu quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của DN.

     Hiệu quả hoạt động kinh doanh được biểu hiện qua việc tạo lợi nhuận của doanh thu (ROS), cho thấy hiệu quả từ các nỗ lực liên quan đến hoạt động marketing, bán hàng nhằm tăng doanh số; đồng thời cũng cho thấy mức độ hợp lý của cơ cấu chi phí (từ đó dễ dàng tính được ngưỡng lời - lỗ), khả năng kiểm soát sự lãng phí và quản lý vốn lưu động. Hiệu quả quản lý vốn lưu động biểu hiện qua số ngày thu tiền (được tính bằng tỷ số giữa khoản phải thu chia cho doanh thu bình quân ngày); số ngày tồn kho là tỷ số giữa số ngày trong năm (365 ngày) chia cho vòng quay hàng tồn kho, trong đó vòng quay hàng tồn kho là tỷ số giữa giá vốn hàng bán chia cho tồn kho bình quân.

     Bên cạnh đó, việc sử dụng nợ vay có thể "bẩy" tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ (ROE) gia tăng. Mức độ sử dụng nợ được biểu hiện qua chỉ số đòn bẩy tài chính (tài sản chia cho vốn chủ). Tuy nhiên, công ty sử dụng nợ vay phải đảm bảo tạo ra lợi nhuận an toàn để thanh toán các chi phí lãi khoản nợ vay, khả năng này biểu hiện qua hệ số bảo chứng lãi vay (tỷ số lợi nhuận trước thuế và lãi vay chia cho chi phí lãi vay). Đòn bẩy tài chính và hệ số bảo chứng lãi vay cho thấy tình hình tài chính của DN.

      Công ty khởi nghiệp cần tham khảo BCTC của các công ty cùng ngành để biết được tình hình kinh doanh của họ. Quan trọng nhất là cần biết cơ cấu hợp lý cho chi phí hạng mục như tỷ lệ giá vốn, chi phí quảng cáo, bán hàng, quản lý... trên doanh thu để xác định thông số phục vụ cho việc lập kế hoạch giá bán, chính sách bán hàng và quản trị các chi phí.

     Cũng cần tham khảo các chỉ số liên quan đến các hạng mục của vốn lưu động như ngày thu tiền, số ngày tồn kho, vòng quay tồn kho, số ngày trả tiền... để xây dựng kế hoạch và chính sách quản trị vốn lưu động. Tham khảo thông tin về tỷ suất sinh lời (ROA, ROE, ROS) và phân tích nguyên nhân dẫn đến thành công, thất bại của các công ty cùng ngành thông qua kỹ thuật phân tích BCTC để rút ra những bài học quý giá cho công ty mình. Từ đó giúp phát triển các giải pháp kinh doanh phù hợp để phát huy sở trường của công ty, tránh những sai lầm của các DN thất bại. Tất cả những điều đó được thể hiện trên BCTC.


Xem thêm:

Những Bài Học Đầu Tư Tài Chính Hiệu Quả Cho Người Mới Bắt Đầu

Tư Vấn Chọn Loại Hình Doanh Nghiệp Để Bắt Đầu Hoạt Động Kinh Doanh

social