Sáng ngày 22/5, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023.
Uỷ ban Kinh tế cho biết trong 04 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, nhưng số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng. Xu hướng này có thể tiếp tục phức tạp hơn trong thời gian tới.
Theo báo cáo cụ thể thì trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49.900 doanh nghiệp (tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước).
Ngoài ra là 20.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 39,9%) và 6.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 10,1%). Bình quân có 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng.
Tình trạng trên dẫn đến một hệ quả là doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp. Mặt khác, theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm.
Trước thực trạng khó khăn của người lao động, Uỷ ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn tình hình triển khai xây dựng chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Trước đó trong phần cáo, Phó Thủ tướng cũng cho biết trong thời gian tới Chính phủ sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Ngoài ra, xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp.
Bên cạnh lộ trình cải cách tiền lương, Uỷ ban Kinh tế đề xuất nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng nhưng bảo đảm cân đối ngân sách và bội chi ngân sách năm 2023 không vượt mức Quốc hội cho phép.
Mức giảm trừ gia cảnh theo quy định hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ tại quy định tại Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 và Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14) như sau:
Mức giảm trừ gia cảnh
1. Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
2. Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
2. Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.
3. Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:
a) Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;
b) Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Chính phủ quy định mức thu nhập, kê khai để xác định người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh.
Như vậy, hiện tại mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng.
Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Giảm trừ gia cảnh cho bản thân được tính như thế nào?
Theo hướng dẫn tại Công văn 9188/CTHN-HKDCN năm 2022 về quyết toán thuế thu nhập cá nhân do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành thì giảm trừ gia cảnh cho bản thân được thực hiện như sau:
- Trường hợp trong kỳ tính thuế cá nhân cư trú chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân hoặc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được tính đủ 12 tháng nếu thực hiện quyết toán thuế theo quy định.
- Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì việc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân được tính tương ứng với so tháng xác định nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân phải khai tại Việt Nam theo quy định.
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tức 132 triệu đồng/năm).
Theo TVPL